Tôi đi SEA Games....

Đầu thập niên 90, xin được đi làm nhà nước, lại là đi làm báo... dù chỉ là báo thể thao, ấy vậy mà vào năm mới tròn 30 tuổi, lần đầu leo lên máy bay, bay sang Indonesia theo dõi kỳ SEA Games lần thứ 19 năm 1997, tôi chẳng bao giờ nghĩ... cái "Xi Gêm" nó lại gắn với cuộc đời làm báo của mình 1 cách kỳ lạ đến thế. Nên hôm nay khi viết những dòng chữ này theo yêu cầu của người đàn anh đồng nghiệp, những tưởng đâu... mới hôm qua đó thôi.
1. Đó là ngày 7/10/1997, bay cùng chuyến bay (hồi ấy đâu có từ chuyên cơ) cùng những người đồng nghiệp ở cơ quan cũ đi làm SEA Games. Chuyện đã cũ, nhưng vẫn nhớ rằng, hồi ấy mình còn trẻ và được đi SEA Games cũng chỉ vì 1 phóng viên lão làng hơn "xung đột" với lãnh đạo tòa soạn, nên có suất!
Nhưng chẳng nghĩ, đi SEA Games với 1 xấp giấy A4 cùng vài cái bút bi, để rồi vội viết và fax về cho tòa soạn mỗi chiều tối, với ý nghĩ thật đơn giản, đưa về nhà càng nhiều thông tin càng tốt! Internet ư? Hồi ấy đâu có và lần đầu vào MPC (Trung tâm báo chí SEA Games 19) ở Indonesia, họ mới chỉ có mạng LAN để cập nhật kết quả qua 1 vài máy tính đặc biệt, đã cảm giác đó là... thế giới khác! Máy tính cá nhân, theo các bạn trẻ lúc này là cái laptop bất ly thân thì đâu có, phóng viên Việt Nam nào giỏi công nghệ, thì cầm sang đó phần mền font ABC để cài vào máy tính của MPC để... gõ được văn bản tiếng Việt, rồi in ra, fax về!
SEA Games khi ấy, dĩ nhiên là hoành tráng. SVĐ Gelora Senaya sừng sững bên ngoài và to lớn bên trong với sức chứa lên tới 150 nghìn người, Lễ khai mạc SEA Games 19, đoàn xe của Tổng thống Indonesia chạy thẳng vào đường piste, còn mấy anh em phóng viên thể thao Việt Nam sang chỉ biết "thì thầm" - Sân này Liên Xô (cũ) giúp họ xây đấy!
SEA Games đó cũng là bước chuyển khi lần đầu tiên, đoàn Thể thao Việt Nam vươn lên sau nhiều kỳ chỉ khoảng hơn chục cái HCV, đã giành hẳn đến 35 chức vô địch. Nhưng nếu những anh em phóng viên thể thao Việt Nam được đi tác nghiệp ở kỳ đại hội này hẳn chẳng quên chuyện bị móc túi, ăn cắp... hay thiếu thiếu thông tin để viết bài gửi về. Dĩ nhiên, vẫn nhớ nhất là tấm HCĐ môn bóng đá nam với HLV người Anh duy nhất trong lịch sử làng cầu nội, ông Murphy.
2 năm sau, chắc có lẽ cũng nhờ kinh nghiệm đi "Xi Gêm", người viết lại thêm 1 lần đi tác nghiệp tại SEA Games 20 ở Brunei. À, lúc này thì sướng! đại hội chỉ thi đấu 21 môn và nước chủ nhà giàu có lần đầu đăng cai, nên có sự đầu tư cực lớn. Chuyện nhỏ, nhưng mà lớn, tôi được ở trong thành phần đoàn Thể thao Việt Nam tham dự đại hội và có suất xuống nhà ăn đại hội mở 24/24h với ê hề thịt gà, hoa quả nhập khẩu... Còn tất nhiên, gửi tin bài về Việt Nam vẫn là viết và fax.
Dù vậy, điều đặc biệt mà không nhiều người biết khi đó, tại SEA Games 20 tại Brunei, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã quyết định trao quyền đăng cai tổ chức SEA Games 22 năm 2003 cho Việt Nam...
VTV6, VTV5, SEA Games 31, VTV6 trực tiếp, Seagames 31, trực tiếp SEA Games, lịch thi đấu SEA Games 31, bảng xếp hạng huy chương, bóng đá nam, đua thuyền, bóng chuyền
Được tác nghiệp tại SEA Games luôn là mong ước của bất kỳ phóng viên thể thao nào.
Ảnh: TTXVN
2. Và đó là kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên diễn ra trên mảng đất hình chữ S, cho dù Việt Nam là 1 trong những thành viên sáng lập ra sân chơi này.
Cuối thập niên 90 tới đầu những năm 2000, đó cũng là thời điểm cả nền kinh tế, xã hội Việt Nam phát triển bùng nổ từ chính sách mở cửa, hội nhập của đất nước. Từ 1 con số 0 tròn trĩnh, cả một hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho SEA Games ra đời mà "trái tim" là Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với 2 công trình trọng điểm: Sân vận động và Cung thể thao dưới nước cùng cả hệ thống các nhà thi đấu thể thao trải đều từ Hà Nội đến cả nước.
Bầu không khí SEA Games 22 rộn rã - Việt Nam hân hoan chào đón - Tên bài hát chính thức cũng là điều dễ hiểu. Dù có yêu thể thao ít hay nhiều, thì niềm tự hào của mỗi người dân Việt khi lần đầu là chủ nhà ngày hội thể thao lớn nhất khu vực cũng rất lớn.
Lễ khai mạc, bế mạc, những trận bóng đá U23 nam với ngôi sao Văn Quyến, bóng đá nữ thậm chí cả điền kinh, bơi, võ thuật... luôn đông kín người xem. Xem cuộc tranh tài đỉnh cao xưa nay chưa có trên sân nhà, xem cả cái Sân vận động, Cung dưới nước nó to bé, đẹp đẽ thế nào.
158 HCV, đoàn Thể thao Việt Nam bước lên ngôi vô địch SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử, thậm chí còn bỏ xa "đại kình đich" Thái Lan tới 68 HCV! Những con tính về chuyên môn của những nhà quản lý đều chính xác, đó là kỳ đại hội thành công, nhưng ai cũng hiểu đó chưa hề là thành công trọn vẹn khi U23 Việt Nam mất tấm HCV bóng đá nam vào... chân người Thái ở Mỹ Đình.
Đó là nỗi buồn mà dù bóng đá Việt Nam đã có "Vàng" SEA Games ở kỳ SEA Games 30 gần đây, nhưng vẫn chưa thực sự thỏa mãn hoàn toàn. Còn đối với người viết, đã quay lại với công tác biên tập nên khi đó không được ra hiện trường tác nghiệp, cũng là nỗi buồn trong 1 đêm tháng 11 khi gió Bấc về...
3. 19 năm đã trôi qua, quá nhiều thay đổi, chẳng thể phủ nhận, SEA Games đã không còn là sự quan tâm hàng đầu khi người hâm mộ giờ đây đã được thưởng thức trực tiếp quá nhiều những sự kiện thể thao lớn hơn tầm, từ Olympic đến ASIAD, từ World Cup đến EURO, AFF Cup...
Rồi báo chí, truyền thông và cả những thế hệ người làm báo cũng đã thay đổi quá nhiều, trẻ hơn, hiện đại hơn và đương nhiên là giỏi hơn, nên thật khó để tìm ra sự hào hứng, quan tâm và bầu không khí thể thao sôi động như 19 năm trước. Nhưng cũng đã 19 năm, SEA Games mới quay trở lại Việt Nam, vẫn hy vọng, sân chơi thể thao đã quá quen này tạo được thứ trend đủ sức cạnh tranh trong một xã hội thông tin quá nhiều biến động, để những lớp người cũ lại được hòa mình cùng giới trẻ hôm nay.
Vũ Minh