Thể thao Việt Nam và thành công tại SEA Games 31: Hãy là bàn đạp, đừng là đích đến
205 HCV; 125 HCB; 116 HCĐ - Thể thao Việt Nam đã có 1 kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử tham dự đại hội thể thao khu vực. Thành công không chỉ để khẳng định vị thế trên đấu trường Đông Nam Á mà còn được xem là bàn đạp thuận lợi để hướng tới những mục tiêu chuyên môn lớn hơn trong tương lai gần - châu lục và thế giới!
1. Là 1 trong những quốc gia sáng lập ra Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á SEAP Games (tên tiền thân của Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games sau này) và ngay tại kỳ đại hội đầu tiên tại Thái Lan vào năm 1959, đội tuyển bóng đá nam miền Nam Việt Nam đã giành được tấm HCV danh giá. Kỳ tích mà phải tới 60 năm sau, lứa U23 Việt Nam mới lặp lại và tới hôm nay là chức vô địch thứ 3 trên sân nhà.
Nhưng xét về tổng thể, quá trình hội nhập với thể thao khu vực chỉ thực sự toàn diện hơn sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó là vào năm 1989, khi đoàn thể thao Việt Nam với thành phần 64 thành viên tham dự SEA Games 15 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Vỏn vẹn 46 VĐV tranh tài chỉ ở 8 môn thi, nhưng đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ để xếp hạng 7/9 đoàn thể thao tham dự.
Con đường SEA Games, con đường hội nhập đã được mở ra như thế! 6 kỳ SEA Games tiếp theo (từ năm 1991 đến 2001), bằng chiến lược "đi tắt, đón đầu" tập trung cho các môn thế mạnh như: Bắn súng, võ thuật... kết hợp đầu tư cho những môn thể thao mới phù hợp và có khả năng tranh chấp huy chương, thể thao Việt Nam dần từng bước cải thiện thành tích cũng như vị trí trên bảng xếp hạng huy chương.
SEA Games 22 năm 2003 đánh dấu mốc son mới khi lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam trở thành nước chủ nhà Đại hội thể thao Đông Nam Á. Sự ra đời của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại được đầu tư trên cả nước đã làm thay đổi toàn diện thể thao Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để đăng cai, tổ chức các kỳ đại hội, giải đấu thể thao quốc tế ở mọi cấp.
Về chuyên môn, cũng với lứa VĐV được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn, đoàn thể thao Việt Nam lần đầu giành chức vô địch với 155 HCV; 96 HCB; 92 HCĐ. Quan trọng hơn, thành tích này cũng là dấu mốc để các nhà chuyên môn dần thay đổi chiến thuật "đi tắt, đón đầu" để hướng thể thao Việt Nam tới đấu trường châu lục, thế giới và Olympic.
2. Cũng sau SEA Games 2003, thể thao Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong Top 3 các kỳ SEA Games kế tiếp và nhiều môn thể thao đã vươn tới tầm châu lục, thế giới. Đặc biệt vào năm 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil), lần đầu tiên, quốc kỳ Việt Nam tung bay trên đỉnh cao Thế vận hội Olympic mùa Hè khi nam xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được 1 HCV - 1 HCB các nội dung súng ngắn nam. Bóng đá môn thể thao Vua, sau tròn 60 năm cũng hiện thực "giấc mơ Vàng SEA Games" để vươn tới sân chơi World Cup, châu lục, trở thành niềm tự hào, tự tôn của dân tộc.
Vậy nên, chẳng có gì khó hiểu khi 19 năm sau, Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức SEA Games đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ chính... trong nước, thậm chí từ chính giới chuyên môn, cũng như truyền thông!
Tranh cãi nhất vẫn là luồng ý kiến cho rằng SEA Games chỉ là giải đấu "ao làng" với quá nhiều môn thể thao "lạ lẫm" được đưa vào chỉ để mục đích tăng số HCV cho nước chủ nhà; hay những câu chuyện gian lận chuyên môn kiểu "hội làng", hoặc tình trạng tổ chức luộm thuộm, thậm chí là cẩu thả.... Đó là chưa kể gánh nặng về kinh tế cho nước chủ nhà trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đúng! Đó là những vấn đề đã tồn tại đã lâu của sân chơi thể thao lớn nhất khu vực này, nhưng nếu đặt SEA Games và cả SEA Games 31 vào hoàn cảnh đặc thù, vẫn có những câu trả lời thỏa đáng.
Tranh cãi đầu tiên và cũng là nhiều nhất, khi những môn thể thao "lạ" hay đúng hơn là thế mạnh của một số nước chủ nhà được đưa vào SEA Games. Lợi thế là đương nhiên (thậm chí có lúc bị lạm dụng), nhưng ở góc độ quản lý còn mục tiêu quan trọng khác - phát triển những môn thể thao "lạ" ấy từ khu vực, nhân rộng ra châu lục, thế giới. Thành công của Pencak Silat - môn võ thuật của Indonesia từ SEA Games vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội thể thao châu Á ASIAN Games là ví dụ cụ thể và Vovinam của chúng ta cũng đang hướng theo cách làm đó.
Đó cũng là con đường mà Taekwondo của người Hàn; Karate của người Nhật đã làm để được có mặt tại Thế vận hội, hay nỗ lực (chưa thành) của Trung Quốc khi Wushu vẫn chỉ là môn biểu diễn ở Olympic.
Rồi về tổng thể mặt bằng thể thao Đông Nam Á chưa cao, nên dễ hiểu khi chất lượng tranh tài tại SEA Games còn thấp. Tuy vậy, sân chơi này đâu thiếu những tài năng mà 6 gương mặt vô địch thế giới và Olympic ở SEA Games 31 là minh chứng rõ nét. 1 trong số họ, kình ngư Joseph Schooling, người từng đánh bại huyền thoại Michael Phelps đã nói: “Olympic là đỉnh cao, nhưng SEA Games rất gần gũi, thân thuộc với tôi. Dù thi đấu ở cấp độ nào, thi đấu cho quốc gia luôn là một niềm đáng tự hào. Tôi từng có lúc xem nhẹ SEA Games, nhưng dần dần tôi mới thấy những đại hội như SEA Games rất quan trọng”.
Không chỉ thể thao mà với mặt bằng kinh tế chung còn thấp của khối ASEAN so với thế giới, nên việc tổ chức SEA Games thực sự là cố gắng lớn của nước chủ nhà khi mà nguồn thu tài chính gần như không đáng kể. Vậy nhưng, vào năm 2015, Singapore, quốc gia phát triển hàng đầu thế giới đã từng tổ chức kỳ SEA Games 28 với tiêu chuẩn ở mức Thế vận hội!
Trở lại với SEA Games 31, dù phải hoãn lại 1 năm do dịch bệnh và còn rất nhiều khó khăn, nhưng với việc tổ chức thành công, Việt Nam đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung thể thao Đông Nam Á, bằng chính trách nhiệm thành viên của mình
Những nhà thi đấu, sân vận động luôn sôi động trong sự cổ vũ của các CVĐ đã tạo nên bầu không khí thể thao thực sự gúp các tuyển thủ có được trạng thái thi đấu tốt nhất sau 2 năm nguội lạnh vì Covid-19. Nên nhớ rằng, với việc Trung Quốc mới đây từ chối đăng cai tổ chức ASIAN Games vào cuối năm nay cũng vì lý do dịch bệnh, thì tất cả các VĐV tham dự SEA Games 31, phải chờ đến SEA Games 32 ở Campuchia vào năm sau mới được dự 1 đại hội thể thao quốc tế lớn!
Vậy nên sẽ là xúc phạm nỗ lực, mồ hôi, lẫn cả nước mắt và cả máu của mỗi VĐV đã đổ xuống khi gọi SEA Games là cái "ao làng"
3. Tới với 205 HCV của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Đó là con số kỷ lục không chỉ cho thể thao nước nhà mà còn là con số lịch sử ở bất kỳ kỳ SEA Games nào đã diễn ra. Nhưng kỷ lục đó chẳng hề là bất ngờ, nếu nhìn vào quá trình chuẩn bị chuyên môn dài hơi, bài bản cùng số lượng đông đảo nhất lực lượng tham dự. Đó là chưa kế đến lợi thế về sân nhà, khán giả nhà.
Thể thao Việt Nam đứng thứ nhất SEA Games 31, kể cả trong 2 môn thi danh giá nhất đại hội - Bóng đá nam và bóng đá nữ. Nhưng câu hỏi đặt ra là chúng ta đã thực sự là nhà vô địch thể thao Đông Nam Á hay chưa?
Câu trả lời là CÓ và CHƯA! Có xét về tổng thể cả nền thể thao quốc gia mà 205 tấm HCV là sự khẳng định. Nhưng nếu nhìn lại Olympic Tokyo mới kết thúc cách đây chỉ 9 tháng, số lượng môn thế mạnh mà thể thao Việt Nam có thể cạnh tranh ở đấu trường thể thao số 1 này vẫn còn thua so với những cường quốc thể thao Đông Nam Á khác. Ngay cả khi U23 vô địch SEA Games, chúng ta vẫn chưa thể nói bóng đá Việt Nam vượt qua người Thái ở cấp độ ĐTQG.
Vậy nên mới nói, thành công tại SEA Games 31 với thể thao Việt Nam - Hãy là bàn đạp, đừng là đích đến!
Vũ Minh