Khẩn trương triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP

Chỉ sau gần 1 tháng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân đạt 2.190 tỷ đồng đến đối tượng thụ hưởng của 4 chính sách tín dụng.

Thông tin trên được Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, diễn ra sáng 18/5.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì. Đồng chủ trì Hội nghị có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Giải ngân 2.190 tỷ đồng đến đối tượng thụ hưởng

Để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP. Chương trình đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ hỗ trợ cụ thể; trên tinh thần đó, nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đã được ban hành, trong đó có các chính sách tín dụng ưu đãi cho đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã ban hành ngay Kế hoạch thực hiện trên toàn hệ thống và tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP trong tháng 2/2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đối với 7 nhiệm vụ được Chính phủ phân công triển khai trong Chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc trình ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để các chính sách sau khi được ban hành sớm triển khai trong thực tiễn.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân đạt 2.190 tỷ đồng đến đối tượng thụ hưởng của 4 chính sách tín dụng chỉ sau thời gian chính sách ban hành được gần 1 tháng. Trong số này, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 1.926 tỷ đồng với hơn 37 nghìn khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 131 tỷ đồng với 8.814 khách hàng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 133 tỷ đồng với 555 khách hàng và cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 80 triệu đồng với 1 khách hàng. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng khác và đạt kết quả tích cực.

Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 (trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025).

"Để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần xác định vai trò của tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và là công cụ hữu hiệu trong việc điều phối các nguồn lực xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại các địa phương", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, ông đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương xác nhận, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách, đặc biệt là chính sách cho vay đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chính sách cho vay đầu tư phát triển vùng dược liệu quý theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội sớm ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để triển khai thực hiện cho vay các chính sách này… Chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhất là trong việc xác định đối tượng thụ hưởng, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng hỗ trợ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung tối đa bộ máy, nguồn nhân lực, và các điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ vững danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đồng hành thông qua duy trì tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Còn nhiều thách thức

Về tình hình triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP tại Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đã hoàn thành 3/4 nhiệm vụ, trong đó trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 448/QĐ-TTg về chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2022 - 2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022, trong đó phê duyệt mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2022 tối đa là 20.400 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn, tạo lập nguồn lực tài chính phục vụ Chương trình.

Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 05/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua thiết bị phục vụ cho học tập trực tuyến. Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đề cập đến các thách thức khi triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ huy động 20.400 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Đến nay, dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả huy động mới đạt 2.600 tỷ đồng. Nhu cầu giải ngân cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 dự kiến là 19 nghìn tỷ đồng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm trong huy động trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội là rất lớn, trong khi đó, thị trường tài chính, thị trường vốn có nhiều biến động, gần đây, lãi suất có chiều hướng tăng. Ngân hàng cần phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tìm giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính chung, vừa huy động được nguồn lực để thực hiện Chương trình.

Ông cũng đề cập đến khó khăn trong sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực và quản trị, điều hành của Ngân hàng Chính sách xã hội khi số lượng chương trình tín dụng mà Ngân hàng này đang quản lý lên tới 26 chương trình, nhiều chương trình có dư nợ cao, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội. Một mặt, Ngân hàng tiếp tục tập trung quản lý, theo dõi thu hồi nợ, giải ngân cho vay đối với các chính sách, mặt khác, thực hiện giải ngân các chính sách mới ban hành để đảm bảo hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, xem xét, tính toán khối lượng công việc để bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả.

Thứ trưởng lưu ý, tín dụng ra phải kịp thời, đảm bảo chất lượng, khả năng thu hồi cao, phát sinh dư nợ xấu thấp nhất; đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo giúp Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nhiệm vụ của mình, góp phần vào kết quả chung của Nghị quyết 11/NQ-CP.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phục hồi và phát triển kinh tế: Để nền kinh tế không 'lỡ nhịp'
Phục hồi và phát triển kinh tế: Để nền kinh tế không 'lỡ nhịp'

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến cho kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN