Câu chuyện “con nhà nghèo vượt khó” không còn xa lạ với thể thao Việt Nam khi sự đầu tư cho nhiều môn thi đấu vẫn còn rất hạn chế. Bi sắt nằm trong số đó với mọi nguồn lực ít ỏi so với nhiều “anh em” khác. Bản thân môn thể thao ít người biết đến này cũng khó lòng nhận được sự quan tâm của người hâm mộ cũng như những nguồn tài trợ xã hội hóa.

Dẫu vậy, bỏ lại những khó khăn, đội tuyển bi sắt Việt Nam vẫn hướng đến việc giành huy chương ở mọi nội dung tham dự ở kỳ SEA Games 31 trên sân nhà, trong đó mục tiêu cao nhất là giành từ một đến hai huy chương vàng.

Đội tuyển bi sắt Việt Nam bắt đầu tập trung từ đầu tháng 3/2022 nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31 tại Trung tâm huấn luyện viên Bi sắt (Hà Nội). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Toàn đội tập với khối lượng 6 tiếng mỗi ngày, được chia đều vào hai buổi sáng và chiều. Gần ngày thi đấu, đội tuyển bi sắt sẽ có lịch tập luyện giống với khung giờ thi đấu nhằm thích nghi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước khi tập luyện, toàn bộ mặt sân phải được lu cho bằng phẳng đồng thời tưới nước để đảm bảo điều kiện như đang thi đấu cho các vận động viên Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đội tuyển bi sắt được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên trưởng và hai trợ lý. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những năm qua, đội tuyển bi sắt Việt Nam dường như gặp không có đợt tập trung đúng nghĩa nhằm trau dồi và tập luyện. Từ năm 2005 đến nay, đội tuyển cũng chỉ mới một lần được tập trung dài hạn trên 6 tháng, còn lại đều rất ngắn ngày.

Thậm chí, có lần đội chỉ được tập luyện khoảng 15 ngày trước khi tham dự giải châu Á. Những đợt tập huấn nước ngoài hay thi đấu cọ xát khu vực là điều vô cùng “xa xỉ.”

Trước thềm SEA Games 31, những khó khăn như thế vẫn tiếp tục bủa vây đội tuyển bi sắt. Kể từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, toàn đội gần như không thể hội quân, tập luyện cùng nhau. Các vận động viên cũng chẳng có nhiều cơ hội thi đấu và cọ sát do các giải quốc nội liên tục bị hoãn và hủy.

Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bi sắt, ông Đặng Xuân Vui, cho biết chưa gặp mặt đầy đủ vận động viên trong vòng hai năm qua. Vài tháng gần đây, ông mới bắt đầu huấn luyện, lên giáo án và “làm lại từ đầu” với đội tuyển.

Ông Vui cho hay: “Bi sắt Việt Nam mạnh, nhưng bây giờ gặp quá nhiều khó khăn nên chưa biết ở SEA Games thi đấu như thế nào. Hai năm rồi, đội tuyển không được tập huấn, cũng không nắm được thông tin của đối thủ. Vì ít cọ sát nên các vận động viên tiến bộ hay thụt lùi cũng không rõ.”

Đội tuyển bi sắt Việt Nam tập tham dự SEA Games 31 với 19 vận động viên, tranh tài ở 8 nội dung. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thành viên đội tuyển bi sắt Việt Nam chủ yếu đến từ đoàn Hà Nội, Quân đội, Đồng Tháp, Trà Vinh… (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đội tuyển bi sắt ít nhận được sự quan tâm, đầu tư vì không phải môn đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam. Huấn luyện viên trưởng Đặng Xuân Vui từ chối chia sẻ về những khó khăn liên quan tới tài chính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đội tuyển bi sắt vẫn chưa nhận được trang phục, thiết bị nhằm phục vụ cho SEA Games 31. Trong ảnh, vận động viên của tuyển bi sắt sử dụng lại trang phục từ năm 2019 tại SEA Games 30. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại khu vực Đông Nam Á, bi sắt Thái Lan mạnh nhất với nhiều vận động viên được tập huấn, thi đấu tại các giải quốc tế. Còn lại, Việt Nam, Campuchia và Lào xếp ở nhóm hai.

Huấn luyện viên Đặng Xuân Vui cho biết vì thời điểm SEA Games 31 diễn ra trùng với giải Vô địch Thế giới bi sắt tại Đan Mạch nên Thái Lan nhiều khả năng không cử đội hình mạnh nhất sang Việt Nam. Đó là cơ hội để đội tuyển bi sắt Việt Nam dễ dàng cạnh tranh hơn huy chương vàng. Tuy nhiên, bi sắt Thái Lan cũng dự kiến thâu tóm khoảng 5 nội dung ở giải đấu sắp tới.

Tại SEA Games 31, đội tuyển bi sắt Việt Nam đặt niềm hy vọng vào hai nữ vận động viên Nguyễn Thị Thi và Nguyễn Thị Hiền. Đây là hai gương mặt quen thuộc trong một thập kỷ qua của bi sắt Việt Nam bởi môn thể thao này vốn có tuổi đời vận động viên rất cao. Những người chơi càng giàu kinh nghiệm sẽ càng chiếm được ưu thế tâm lý.

Nguyễn Thị Hiền gây ấn tượng từng giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà và SEA Games năm 2009. Sau 9 năm tạm dừng thi đấu để lo công việc gia đình, bà mẹ có hai con nhỏ quyết định trở lại thi đấu ở SEA Games 31 ở tuổi 38.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Thi cũng bước sang tuổi 30 song vẫn là trụ cột của bi sắt Việt Nam sau khi từng giành liên tiếp 2 huy chương vàng SEA Games vào năm 2015 và 2017.

Sắp tới, đội tuyển bi sắt sẽ tham dự 8 nội dung ở SEA Games 31 gồm kỹ thuật nam/nữ, đôi nam/nữ, đôi nam-nữ phối hợp, bộ ba nam, bộ ba nữ, bộ ba gồm 2 nữ-1 nam.

Vận động viên Nguyễn Thị Hiền là người đầu tiên giành huy chương vàng môn bi sắt cho Việt Nam và từng nhiều lần gây ấn tượng ở các giải đấu châu lục. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nguyễn Thị Hiền được kỳ vọng tỏa sáng ở SEA Games 31 kể từ sau khi tạm dừng thi đấu đỉnh cao từ năm 2013. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Thị Thi hướng đến huy chương vàng ở những nội dung phối hợp đồng đội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dẫu vẫn biết môn bi sắt không phải môn thi đấu trọng điểm của thể thao Việt Nam, song huấn luyện viên Đặng Xuân Vui không khỏi chạnh lòng khi sự quan tâm về mặt tình cảm cũng như vật chất dành cho đội, đặc biệt khi chứng kiến nhiều đội tuyển khác được thi đấu và tập huấn tại châu Âu.

Ông Vui bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất cho bi sắt chưa hẳn đã là kinh phí, thay vào đó là sự quan tâm. Môn này gần như không được quảng bá, truyền thông nên nhiều người ít biết đến dù từng đem về nhiều huy chương chứ ở những kỳ SEA Games trước đây. Nhưng đó là huy chương bạc và đồng. Còn với mọi người, có lẽ phải là huy chương vàng mới đáng quý và được chú trọng.”

Giống với nhiều môn thể thao khác tại Việt Nam, vận động viên bi sắt không có điều kiện phát triển kinh tế. Tất cả thành viên của đội tuyển bi sắt gần như không có thời gian làm thêm để cải thiện thu nhập và chỉ trông chờ vào chế độ cùng mức trợ cấp được quy định.

Môn bi sắt đòi hỏi vận động viên phải khéo léo, có tâm lý vững vàng và sự thông minh để đưa ra phán đoán. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mỗi vận động viên bi sắt sở hữu một bộ bi gồm 3 viên với giá trung bình khoảng 10 triệu đồng. Mỗi năm, vận động viên phải thay bi một lần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bi sắt phải đảm bảo rất nhiều tiêu chuẩn mới có thể được sử dụng trong thi đấu như còn số hiệu của nhà sản xuất, không được khắc hay chạm trổ nếu chưa được cho phép. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bi sắt có trọng lượng từ 650 đến 750 gram. Vận động viên có thể bị truất quyền thi đấu nếu sử dụng bi không đúng quy định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bi sắt tại Việt Nam

Môn bi sắt có xuất xứ từ châu Âu và lần đầu xuất hiện ở SEA Games 21 vào năm 2001 tại Malaysia. Bi sắt phát triển tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, được chơi và đẩy mạnh nhờ phong trào tại miền Nam và các tỉnh miền Tây. Sau năm 2007, môn thể thao bắt được phát triển mạnh hơn ở phía Bắc và dần dần được quy hoạch và đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Người đầu tiên quyết định phát triển môn bi sắt là cố Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang. Hiện tại, môn thi đấu chỉ có hai giải đấu cao nhất trong năm gồm giải vô địch quốc gia và vô địch các câu lạc bộ.

Huyện Sóc Sơn, Thường Tín (Hà Nội) được coi như “mỏ vàng” của bi sắt nhờ sở hữu nhiều tài năng sáng giá của bi sắt Việt Nam và hàng năm cũng đóng góp nhiều vận động viên trẻ giàu tiềm năng.

Minh Sơn
Minh Sơn
Tá Hiển
Tá Hiển